Hành trình từ Học viện ẩm thực CAAS đến bếp khách sạn 5 sao, nhà hàng Michelin

Trong thế giới ẩm thực đầy cạnh tranh, được thực tập và làm việc tại căn bếp của khách sạn 5 sao hay nhà hàng được gắn sao Michelin là thành tựu đáng tự hào đối với bất kỳ một đầu bếp nào. Đối với Trần Nhật Văn, cựu du học sinh Học viện CAAS (Culinary Arts Academy Switzerland), giấc mơ này đã trở thành hiện thực rực rỡ, trở thành bệ phóng giúp em gầy dựng sự nghiệp của riêng mình trong ngành dịch vụ hiếu khách.

Bước đi đầu tiên trên hành trình ẩm thực

Vốn đã yêu thích ẩm thực, nấu nướng từ lâu, cùng với việc được truyền cảm hứng bởi tư duy sắc sảo cùng kỹ thuật điêu luyện của vị đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay, Trần Nhật Văn đã quyết định đi du học để được đào tạo bài bản và sẵn sàng theo đuổi ngành ẩm thực theo cách chuyên nghiệp nhất.

Văn bắt đầu tìm hiểu và làm hồ sơ du học từ năm 2016. Khi đó, em đã tìm hiểu qua một số trường, so sánh chương trình học, chi phí, định hướng đào tạo của từng trường, và quyết định chọn Học viện CAAS là bến đỗ du học ngành ẩm thực của mình.

Văn chia sẻ một trong những lý do hàng đầu khiến em chọn học ẩm thực tại Học viện CAAS là bởi chương trình Bachelor of Arts in Culinary Arts của trường được thiết kế độc đáo, bao gồm rất nhiều thứ, từ các hoạt động nhà bếp cho tới quản trị, marketing, phác thảo kế hoạch kinh doanh, làm bánh, bánh ngọt… Nhờ đó “em có thể học được nhiều thứ hơn, không chỉ riêng về nấu nướng mà em còn có thể học nhiều kiến thức về kinh doanh, sẽ giúp ích cho em sau này”, Văn giải thích.

Đối với em, Thụy Sĩ là một đất nước rất yên bình, thoải mái. Em chọn du học Thụy Sĩ vì Thụy Sĩ là đất nước an toàn, môi trường sống và học tập cũng tốt hơn.

Giáo dục hướng đến thành công

Hành trình từ một cậu chàng yêu thích nấu nướng đến việc được nhà hàng 1 sao Michelin tuyển dụng, hiện nay quản lý kinh doanh khách sạn của gia đình cũng như nhà hàng của riêng mình, đó là minh chứng cho sức mạnh và động lực thúc đẩy của giáo dục.

Văn ghi nhận để có được những trải nghiệm đặc sắc trên hành trình ẩm thực của mình là nhờ 3 năm học tại Học viện CAAS. “Trong quá trình học thì em được học với rất nhiều Chef có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành ẩm thực và đầu bếp. Đa số các Chef rất dễ thương và luôn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi trong học tập”, Văn cho biết.

Khóa học Bachelor of Arts in Culinary Arts của CAAS đào tạo 3 năm toàn thời gian. Hai năm đầu học theo cấu trúc 6 tháng học lý thuyết + 6 tháng đi thực tập. Với hai kỳ thực tập kéo dài 12 tháng này cho phép sinh viên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tiễn để thêm điểm cộng cho CV, đồng thời xây dựng networking của riêng mình. Vào năm cuối cùng của khóa học, sinh viên sẽ trở lại trường, hoàn thành một năm học lý thuyết toàn thời gian, sau đó tốt nghiệp.

Có thể nói, điểm độc đáo của CAAS chính là mang đến kỳ thực tập quốc tế (worldwide internship). Đây chính là cơ hội để sinh viên đến làm việc tại những thương hiệu lớn trong ngành dịch vụ hiếu khách và dịch vụ ăn uống, ở bất kỳ nơi đâu. Với Trần Nhật Văn cũng vậy, em đã tận dụng tối đa cơ hội mà những kỳ thực tập toàn cầu này mang lại để làm phong phú trải nghiệm ẩm thực của mình.

“Điều em cảm thấy tự hào nhất trong hành trình ẩm thực của mình cho tới bây giờ là được làm việc ở những khách sạn lớn, nhà hàng Michelin star.”

Nói về các kỳ thực tập của mình, Văn cho biết: “Kỳ thực tập đầu tiên của em tại Mandarin Oriental, một khách sạn khá có tiếng và có truyền thống lâu đời ở Geneva, Thụy Sĩ. Công việc thực tập đầu tiên của em hơi khó, thường dành cho những bạn senior và các bạn đã có nhiều kinh nghiệm rồi. Lúc em thực tập ở đây chưa có kinh nghiệm gì hết, nhưng em cũng cố gắng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp tại đây”. Văn cũng cho biết thêm, ở kỳ thực tập đầu tiên của em trùng hợp là lúc khách sạn chào đón công chúa Dubai tới nghỉ dưỡng, do đó, mọi người, mọi bộ phận đều phải luôn chú trọng ở mức cao nhất để mang đến dịch vụ tốt nhất.

“Kỳ thực tập thứ 2 tại Bỉ, ở nhà hàng 1 sao Michelin (Hofke van Bazel) thì đương nhiên còn khó hơn kỳ thực tập trước rất nhiều, yêu cầu rất nhiều kỹ thuật và chuyên môn của ngành bếp,” nhưng “nếu mình muốn học hỏi, kiên trì và cố gắng thì đương nhiên các Chef sẽ sẵn lòng dạy cho mình nhiều thứ,” Văn nói.

Văn cùng Chef Kris De Roy – đầu bếp kiêm đồng sở hữu nhà hàng Hofke van Bazel

Văn cũng nhận định “từ những kỳ thực tập khó này em học được rất nhiều kinh nghiệm, trưởng thành nhanh hơn so với những bạn khác khi thực tập ở những chỗ khác.” Và nhờ tâm thế tích cực, dám nghĩ dám làm, cùng với nỗ lực không ngừng ấy đã giúp Văn nhận được lời mời làm việc từ nhà hàng Hofke van Bazel ngay sau khi kết thúc kỳ thực tập của mình. Khi đó Văn vẫn đang là sinh viên năm 2!

Sau 3 năm học tại trường, Văn đã có nhiều cơ hội mài giũa kỹ năng nấu nướng của mình trong khi học hỏi thêm những khía cạnh khác của quản lý kinh doanh. Phong cách giảng dạy của CAAS có lợi cho sự phát triển và sáng tạo. Ngoài học thuật, CAAS còn thúc đẩy các cơ hội giao lưu và học hỏi cho sinh viên. Văn mô tả “đa số sinh viên trường em đều đến từ khắp các nơi trên thế giới. Mọi người rất thân thiện, cũng rất dễ kết bạn, dễ mến.

Hơn hết, CAAS còn tạo điều kiện lý tưởng nhất để sinh viên tập trung tối đa cho việc học. Theo Văn chia sẻ: “Trường của em có chỗ ở ngay trong trường nên rất tiện cho các bạn đi học thì không phải đi xa. Từ campus qua lớp học rất nhanh, chỉ tầm 5 phút thôi, rất tiện và gần. Cuối tuần nếu các bạn có thời gian, muốn đi chơi thì có thể bắt tàu đi qua những thành phố khác, vì phương tiện công cộng ở Thụy Sĩ rất phát triển, đi đâu cũng gần, chỉ cần đi tàu tầm 5-10 phút là có thể tới rồi.

Văn chụp hình cùng Paul Temmerman, nghệ nhân trồng hoa bia người Bỉ. Ảnh: Hofke van Bazel Fanpage

Con đường kinh doanh sau khi tốt nghiệp

Năm 2020, Văn tốt nghiệp khóa Bachelor of Arts in Culinary Arts của Học viện CAAS. Sau khi tốt nghiệp, lẽ ra Văn sẽ quay trở lại Hofke van Bazel làm việc. Nhưng không may là khi Văn tốt nghiệp thì dịch Covid tới, mọi thứ bị đóng băng trong vòng 2-3 năm, do đó đã bỏ lỡ cơ hội quay lại Châu Âu làm việc.

Khoảng thời gian Covid khiến con đường nghề nghiệp đã vạch ra của Văn xuất hiện ngả rẽ. Văn quyết định gầy dựng sự nghiệp ở quê nhà – Đà Nẵng.

Dù mơ ước có rộng lớn đến đâu, Văn hiểu rằng mình cần phải bước từng bước một, có thể chậm nhưng cần phải chắc. Em tập trung quản lý kinh doanh khách sạn Duke Casa Apartment – nơi thường xuyên đón khách du lịch tới nghỉ dưỡng. Sau đó mở một số quán nước, trà sữa xem như “luyện tay” trước khi thực hiện mục tiêu lớn hơn – mở nhà hàng. Và chỉ mới gần đây thôi, Văn đã mở nhà hàng ốc ở thành phố Đà Nẵng.

Hành trình của Văn là minh hoạ cho những cơ hội nghề nghiệp xuất sắc vượt ra khỏi khuôn mẫu truyền thống mà Học viện CAAS mang đến cho sinh viên. Các bạn không chỉ thực hiện ước mơ trở thành đầu bếp mà còn có thể phát triển sự nghiệp kinh doanh trong ngành dịch vụ ăn uống, hoặc tự khởi nghiệp.

Nhìn lại hành trình đã đi qua, Văn đánh giá việc đầu tư du học tại CAAS nói riêng, Thụy Sĩ nói chung là xứng đáng. “Thực sự chia sẻ từ trải nghiệm của bản thân em thì em thấy trường rất là tốt. Giáo viên thân thiện, cơ sở vật chất rất hiện đại. Em thấy rất hài lòng với số tiền mình bỏ ra để đi du học ở trường”, Văn nói.

Văn ghé thăm Văn phòng INEC tại Đà Nẵng và chia sẻ trải nghiệm học tập của mình với các bạn học sinh tại Workshop Socola

Trần Nhật Văn là một thành viên trong mạng lưới cựu du học sinh nổi bật, thành công của INEC. Với những gì Văn đã tích lũy được sau quá trình du học Thụy Sĩ và làm việc ở các nước không chỉ giúp Văn gầy dựng được sự nghiệp của riêng mình, em còn sẵn sàng mang những hành trang đó quay trở lại với INEC, để tiếp tục truyền lửa, tiếp sức đam mê cho những bạn trẻ Việt Nam đang ấp ủ ước mơ du học ngành ẩm thực. Thông qua các webinar trong thời điểm dịch Covid, hay gần đây là Workshop về Socola vào tháng 4/2024, những kiến thức lẫn câu chuyện làm nghề mà Văn chia sẻ đều được các bạn trẻ, các phụ huynh đón nhận, hưởng ứng. Những kinh nghiệm thực tế quý giá của Văn từ quá trình học tập và tôi luyện ở nước ngoài cũng đã tiếp thêm động lực và sức mạnh để các em học sinh vững tin theo đuổi ước mơ của mình.

“Các bạn cứ theo đuổi ước mơ của mình và cố gắng trong con đường mà mình đã chọn. Đương nhiên không có con đường nào là bằng phẳng, con đường nào cũng sẽ có chông gai, khó khăn và trắc trở, nhưng nếu các bạn kiên trì với đam mê của mình và cố gắng quyết tâm vượt qua những thử thách đó thì các bạn sẽ đạt được điều mà mình mong muốn.”

Trần Nhật Văn – Alumni Học viện CAAS (khóa 2017-2020)

Bạn có thể nghe Văn chia sẻ thêm về khóa học, cách chọn trường và đơn vị hỗ trợ hồ sơ du học Thụy Sĩ tại:

INEC hiện là Đại diện tuyển sinh chính thức của Học viện CAAS Thụy Sĩ. Trường đang cấp học bổng trị giá đến 30% học phí. Học bổng ưu tiên xét duyệt cho hồ sơ nộp sớm. Hãy liên hệ INEC để thực hiện ước mơ du học ngành ẩm thực của mình bạn nhé.

  • Tổng đài: 1900 636 990
  • Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948 – 093 409 9984
  • Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
  • Email: inec@inec.vn
  • Trò chuyện với tư vấn viên của INEC: me/hoiduhocsinhthuysi